Bí quyết từ một tấm lòng

Thanh Hà

Điều gì đã khiến một người mồ côi cha ngay từ lúc lọt lòng mẹ trở thành một doanh nhân tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long?… Điều gì đã khiến một người trải cả quảng đời tuổi trẻ gian khổ, dở dang, bế tắc, việc học hành trở thành chủ một Doanh nghiệp tư nhân từng đạt giải Sao Vàng Đất Việt, danh hiệu chất lượng vàng thủy sản Việt Nam?… 

 

 Điều gì đã khiến một tổ hợp sản xuất xà bông nhỏ lẻ trở thành một doanh nghiệp có vốn sở hữu trên 200 tỷ đồng,  với một nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công nghiệp với công suất 120.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Sa Đéc, một nhà máy chế biến thức ăn thủy sản với công suất 300.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Lai Vung và một nhà máy bao bì nhựa 15 triệu tấn sản phẩm/năm với công nghệ được nhập từ Đài Loan tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp?... Đó cũng chính là những điều đã thôi thúc tôi, người viết bài này một lần nữa tiếp xúc ông Phạm Văn Bên, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Cỏ May để có thể từ những lời tâm sự mộc mạc mà chân thành, đơn giản mà chắc chắn rút ra bí quyết thành công trong việc vượt qua những sóng gió thương trường đi đến một sự phát triển vững chắc như ngày hôm nay của ông.

 

 

Trong lời giải bày của ông xoay quanh vấn đề vì sao một người rất hạn chế vốn liếng cả về tài chính lẫn tri thức, chuyên môn lại bước vào cuộc cạnh tranh khắc nghiệt của giới sản xuất kinh doanh có nỗi niềm về người cha chết vì bom đạn của giặc Tây trong lúc đi đánh lưới cá, có ký ức về người mẹ bươn trải chèo ghe đi bán thuốc rê cùng người anh ba bỏ học từ lớp năm, có kỉ niệm buồn về chuyện thi trượt Tú Tài 1 phải bỏ nhà lên Sài Gòn làm thuê trong lò bánh mì, rồi làm phụ hồ, có hình ảnh gian khổ của những người trồng thuốc lá mà cuối đời vẫn không cất nỗi cho mình một cái nhà để nương thân. Ông bỏ làm rẫy, cái nghề  mà ông đã từng trải qua trong hơn hai mùa mặc dù thực ra ông đủ sức chịu thương chịu khó không kém gì một người nông dân thứ thiệt, mặc dù má ông cực lực phản đối. Ông xoay sang mua xà bông từ thành phố Hồ Chí Minh về bỏ mối cho các công ty thương nghiệp và các hợp tác xã địa phương. Khi tôi hỏi ông cái duyên nghiệp như thế nào đã dẫn đến việc ông trở thành người sản xuất xà bông lúc bấy giờ thì ông cười rất hiền hòa và kể lại: “Khi thấy tôi làm ăn thiệt thà và đàng hoàng giống má tôi khi đi bán thuốc rê hồi trước, những người Hoa đã thương tình và kêu dạy cho tôi cách làm xà bông cục…” Theo hiểu biết của tôi, những người Hoa thường rất kén chọn người để truyền nghề nhất là đối với những người không có họ hàng lại ở xa như ông Út Bên. Và thế là tổ hợp sản xuất xà bông cùng với cái tên Cỏ May đã bắt đầu xuất hiện tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp vào năm 1981. Giai đoạn ban đầu đối với công việc sản xuất này cũng không phải là êm thấm lắm do sản xuất nhỏ, do quy trình sản xuất chủ yếu là thủ công nên chi phí cao, do nguyên liệu đầu vào giá cũng cao vì  phải mua qua trung gian. Những thua lổ ban đầu đã dẫn dắt đến câu hỏi có nên tiếp tục hay không? Câu hỏi sinh tử này đã được trả lời qua sự quyết tâm làm đến cùng và từ đó một doanh nhân giỏi đã bắt đầu xuất hiện với bản lĩnh vượt qua những trắc trở vươn đến thành công. Nghiêm túc và kiên trì khắc phục những điểm yếu trong kinh doanh, ông đã đạt được những doanh thu khả quan ban đầu đủ để khẳng định việc làm của mình là đúng: “Xà bông Cỏ May khởi sắc và càng lúc càng được ưa chuộng trên thị trường lúc bấy giờ. Đến năm 1985-1986, thương hiệu xà bông Cỏ May dẫn đầu toàn tỉnh Đồng Tháp”. Lúc này, ông Phạm Văn Bên nhận ra một điều là đã đến thời điểm để phát huy việc kinh doanh của mình hơn nữa. Ông về Thị xã Sa Đéc mở một cơ sở sản xuất xà bông mới. Chính quyết định hợp lý, hợp thời này đã giúp cho Cỏ May kịp thời chào đón vận hội do công cuộc đổi mới của đất nước đã mở đường cho các doanh nghiệp bước nào nền kinh tế thị trường. 

 

Năm 1989, Lúc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May được thành lập thì cũng chính là lúc mà hàng loạt công ty, doanh nghiệp phá sản. Để chống lạm phát phi mã lên đến 349,4%, Nhà nước ban hành chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn lên đến 9%/tháng, có kỳ hạn ba tháng lên đến 12%/tháng.  Vậy thì vì sao một doanh nghiệp nhỏ lẻ, ít vốn như Cỏ May vẫn trụ lại được? Ông Bên nghiền ngẫm lại những gì đã trải qua và cho rằng tất cả xuất phát từ tấm lòng con người. Thấy tôi hơi ngơ ngác tưởng rằng câu chuyện lòng người khó có liên quan đến chuyện làm ăn đầy rủi ro, tính toán, ông giải bày một cách cởi mở nhiều điều mà ít người có thể nghĩ ra và làm được. Trong vòng vây của khó khăn, nguy hiểm là vậy mà ông vẫn kiên quyết không giảm bất cứ một ai trong mấy trăm con người đang làm việc với ông. Ông không thể phụ ai giữa lúc công ăn việc làm đang khan hiếm, gia đình họ đang phụ thuộc vào ông rất nhiều. Và như vậy khó khăn càng thêm chồng chất, nguy cơ lại thêm gánh nặng. Để giải bài toán này, trước hết ông co cụm công chuyện làm ăn lại. Chấm dứt việc sản xuất xà bông vì ông thấy công việc kinh doanh này đã không còn phù hợp với điều kiện mới của thị trường cả nước lúc bấy giờ nữa. Chuyển sang lĩnh vực mới là sản xuất kinh doanh lương thực vì công việc này ông sẽ không ngại cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài đang dần dần bước vào thị trường Việt Nam.

 

 Hơn nữa, Đồng Tháp là một trong những vùng nguyên liệu lúa gạo lớn nhất, nhì cả nuớc. Nhưng với vốn ít, ông cần phải quay đồng vốn thật nhanh và đảm bảo việc làm ăn thật sự hiệu quả. Ông kể việc vượt qua khó khăn giai đoạn này trước hết là nhờ vào sự toàn tâm toàn ý của những người đang làm việc cho ông. Khi ông đã không phụ họ thì họ cũng không phụ ông. Tất cả đều đoàn kết một lòng một dạ xem doanh nghiệp như chính ngôi nhà của mình. Có lần vào lúc bốn giờ sáng, ông bị đập cửa gọi dậy bởi một nhân viên. Ông giật mình ra mở cửa thì người này bảo đã đi suốt đêm bằng xe máy từ Sài Gòn về sau khi đã giao gạo và nhận tiền từ đối tác. Anh ta gọi cửa sớm vì sợ sáng mai ông không có đủ tiền mặt để mua lúa tiếp tục vòng quay kinh doanh. Ông vừa ngạc nhiên vừa cảm động vì thật ra người này cũng chẳng có quan hệ họ hàng gì với ông. Giả sử anh ta có lòng tham thì chỉ cần giả vờ bị té xe mất tiền hay bị cướp thì ông cũng chẳng làm gì được. Rồi với sự đối đãi tử tế đầy tình người này đã làm cho các ngân hàng cảm động và tin tưởng trước tương lai đầy hứa hẹn của doanh nghiệp nên đã hà hơi tiếp sức, hỗ trợ vượt qua gian khó.  Khi một người bốc vác gạo được hỏi nếu như doanh nghiệp gặp khó khăn hơn nữa và không thể trả nổi lương thì ông sẽ làm thế nào.

 

 Chính câu trả lời rất chân thật và đơn giản của người lao động già này đã làm lay động lòng người. Ông nói chỉ cần chú Bên lo cho ông ngày hai bữa cơm là ông vẫn còn ở lại để tiếp tục cùng chú Bên vượt qua sóng gió.  Một điều nữa cũng rất quan trọng trong việc tìm ra lối thoát đó là vấn đề sản phẩm. Khi tôi hỏi vì sao ông chọn dòng gạo trung cấp làm chiến lược phát triển doanh nghiệp thì ông cười nhẹ nhàng và bảo: “Cũng không phải triết lý kinh doanh ghê gớm gì đâu. Chẳng qua là tôi luôn muốn khách hàng vừa ý và hoàn toàn yên tâm với sản phẩm mà mình cung cấp cho họ”. Khi cung cấp loại gạo nào cho ai, doanh nghiệp ông đều kiểm tra nguyên liệu đầu vào rất chặt chẽ, nấu cơm bằng gạo ấy và ăn thử để chọn lọc độ dẻo và mùi thơm. Nhờ vậy khách hàng rất tin tưởng và đã góp phần giúp Cỏ May trụ vững trên sóng gió thương trường giai đoạn bấy giờ. Và những suy nghĩ tưởng chừng như đơn giản của ông ngày ấy đã đặt những nền móng vững chắc cho Cỏ May phát triển về sau. Đó là tuyệt đối đảm bảo chất lượng sản phẩm, đó là đã hứa với khách hàng thì bằng mọi cách phải giữ lời, đó là không ngừng mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ, đó là luôn có số lượng khách hàng ổn định.

 

Những nguyên lý đó lại tiếp tục soi rọi và làm sáng tỏ những bước phát triển vững chắc cho Cỏ May khi liên tục doanh nghiệp tìm kiếm cho mình những hướng đi mới mẻ hơn, sáng sủa hơn. Năm 2004, Ông Phạm Văn Bên lại bước vào một cuộc phiêu lưu mới khi bắt tay đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công nghiệp với dây chuyền ngoại nhập tại Khu Công nghiệp Sa Đéc. Thời điểm này, người dân Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long đang phấn khởi với nghề nuôi cá tra xuất khẩu. Ông Bên không chỉ nhận ra tương lai đầy hứa hẹn của ngành hàng thế mạnh này của quê hương mình mà còn nhận ra một cơ hội kinh doanh tuyệt vời cho doanh nghiệp mình. Tuy nhiên không như trong lĩnh vực gạo trước đây, làm nghề này ông phải đối phó và vượt qua nhiều đối thủ, kể cả đối thủ nước ngoài hơn hẵn doanh nghiệp ông về tầm vóc, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, chiến lược thị trường…

 

Trả lời câu hỏi của tôi vì sao ông lại dám bước vào vũ đài mới mà xem ra ông trong thế yếu này, ông chậm rãi nói: “Tuy rằng mình yếu hơn người ta về nhiều mặt nhưng về yếu tố con người thì tôi nghĩ rằng tôi không thua. Tôi tin vào đội ngũ nhân viên của tôi lúc bấy giờ có nhiều người nhiệt huyết, trung thành và không  kém về mặt năng lực.” Với lòng tin vào con người đó mà ông Phạm Văn Bên đã dẫn dắt thành công cả doanh nghiệp trong một trận đánh không còn khép kín như xưa nữa.  Với việc tám năm sau, tức là vào năm 2012, ông đầu tư thêm một nhà máy chế biến thức ăn thủy sản với công suất hơn gấp đôi và mở rộng sang cả sản xuất thức ăn cho cá lóc và các loại cá có vây khác tại Khu Công nghiệp sông Hậu,  huyện Lai Vung Đồng Tháp đã đủ nói lên lòng tin của ông đã được đền đáp trong thực tế như thế nào. Khi nghề nuôi cá tra gặp khó khăn, người nuôi gặp nhiều vất vả, ông Bên đã cho rằng, để phát triển vững nghề nuôi và xuất khẩu cá tra cần đẩy mạnh việc liên kết trên tinh thần đồng thuận, cùng chia sẻ lợi nhuận giữa các bên tham gia như người nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng thức ăn, ngân hàng...

 

Theo đó, người dân sẽ nuôi cá qua sự đặt hàng của doanh nghiệp. Nhà máy sản xuất thức ăn và ngân hàng đầu tư cho người nuôi qua mô hình này, có sự cam kết của doanh nghiệp xuất khẩu. Cách làm này sẽ giúp ngân hàng cho vay vốn cũng đúng địa chỉ, người nuôi an tâm vì đảm bảo đầu ra, còn doanh nghiệp thì có nguồn nguyên liệu ổn định, phía ngành chức năng cũng dễ dàng trong quản lý vùng nuôi, sản lượng, thời vụ thu hoạch… tránh được thực trạng lúc thừa lúc thiếu cá tra nguyên liệu như hiện nay. Và trong thực tế Doanh nghiệp tư nhân đã áp dụng mô hình vừa lợi người vừa lợi ta này vào trong việc tiêu thụ thức ăn thủy sản.

 

Sang năm 2013, ông lại đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất bao bì nhựa cũng được với công suất ban đầu là 15 triệu sản phẩm/năm, sử dụng công nghệ được chuyển giao từ Đài Loan, toạ lạc tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Song song với những hoạt động sản xuất kinh doanh, Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May cũng đang đầu tư vào lĩnh vực du lịch với một “Club Cỏ May resort” tọa lạc tại bãi biển Ông Lang-Phú Quốc, diện tích 7,3 ha, vốn đầu tư 30 triệu USD. Hiện đã xây dựng xong hàng rào và khu điều hành dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2015.

 

Những thành công liên tiếp như vậy vẫn không khiến  người doanh nhân này thôi trăn trở, nhiều đêm thức trắng, ngày làm cật lực 11, 12 giờ đồng hồ như cái thời vượt qua khủng hoảng, tìm cách tồn tại trong thương trường. Có điều nỗi niềm của ông bây giờ lớn lao hơn trước, sâu sắc hơn trước. Ông ray rứt: “Tại sao chất lượng của những loại gạo như Jasmine hay Homali của Thái Lan không hơn gì của Việt Nam mà lại được nhiều người biết đến và giá bán cũng rất cao, phải chăng đó là nguyên nhân khiến cho đời sống của người nông dân vẫn chưa khá lên được?” Ám ảnh với sứ mệnh tự định ra là làm sao để đưa hạt gạo mang thương hiệu Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, ông Phạm Văn Bên đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm gạo “Made in Vietnam” mang tên Nosavina. Với tên gọi này, ông Bên mong muốn khẳng định được thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, ngày càng được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn.

 

Thực hiện giấc mơ này, Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May đã đầu tư năm triệu đô la Mỹ bắt đầu từ việc sử dụng bộ giống thuần chủng của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, thuê chuyên gia từ Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh lên quy trình canh tác cho nông dân. Trên vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, ông Bên hỗ trợ người nông dân không chỉ về giống mà còn chuyển giao các kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại, nâng cao cả về năng suất lẫn chất lượng sản phẩm. Ông đã xây dựng nhà máy chế biến có công suất 80.000 tấn/năm chuyên chế biến gạo cao cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, toạ lạc tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Đến mùa thu hoạch, những hạt lúa chất lượng nhất đã qua quy trình tuyển chọn một cách khắt khe được đưa đến nhà máy được xem là một trong những nhà máy chế biến gạo hiện đại nhất hiện nay với quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế HACCAP - chứng chỉ nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong nhà máy này, ông Bên đã đầu tư hệ thống máy tách màu để loại bỏ những hạt gạo không đạt tiêu chuẩn trước khi đóng gói, giúp nâng cao phẩm cấp gạo, đáp ứng được các yêu cầu của những khách hàng khó tính.

 

Từ đó, Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May đã sản xuất thành công ba sản phẩm gạo mới theo mùa là Lài Đông Xuân, Sen Hè Thu và Cúc Thu Đông với độ dẽo, mềm và thơm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Điểm đặc biệt của các dòng sản phẩm Nosavina là tất cả đều là gạo mới, sản phẩm không mang những nét đặc trưng của chủng loại gạo cũ, đồng thời các dưỡng chất thay đổi rất nhiều. Ông nói với tôi "Chúng tôi luân chuyển và cam kết cung cấp loại gạo mới theo từng mùa cho khách hàng. Qua khảo sát, những người dùng thử cho thấy họ rất hài lòng về tiêu chí này. Đây cũng là yếu tố khẳng định thương hiệu và mang tính cạnh tranh lành mạnh". Ông Bên đã chọn Singapore là điểm đột phá để thương hiệu gạo Nosavina của ông tiếp cận với thị trường thế giới vì ông cho rằng đây là thị trường có nhiều tiềm năng, vì quốc gia này không trồng lúa nên nhu cầu nhập khẩu gạo là rất lớn. Ngoài ra thì Malaysia, Hồng Kông và Mỹ là những thị trường Cỏ May đang hướng đến. Ông đã lập một nhà phân phối ở Singapore và đã xuất lô hàng đầu tiên của mình sang đó với những kết quả vô cùng khả quan. Việc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May chủ động xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh đặc trưng riêng cho từng dòng sản phẩm gạo mới theo mùa và cho ra đời thương hiệu Nosavina không chỉ mở đường cho những hướng đi mới của hạt gạo Đồng Tháp trên thị trường trong và ngoài nước,  mà còn đã thắp lên một tia hy vọng mới cho hạt gạo Việt Nam.

 

Chắc có lẽ sự đồng cảm trên nét mặt của tôi đã giúp ông Bên có thêm hứng thú trong việc giao tiếp, vì theo như ông nói ông vốn có tài nhìn người , nên ông lại tâm sự với tôi về một niềm trăn trở khác trong tương lai. Đó là việc chiết xuất từ cám gạo ra một tinh chất gọi là dầu cám, vốn là nguyên liệu quý cho ngành dược phẩm và mỹ phẩm. Cám thì ông có nhiều nhưng công nghệ chiết xuất này thì chỉ có người Nhật là giỏi nhất. Do đó ông đang xúc tiến việc tìm một đối tác Nhật bản để thực hiện điều này. Vậy đó, trước mắt tôi là một người đàn ông rất đổi thật thà, nhân hậu nhưng lại dám có những ý nghĩ lớn lao và không ngừng lao tâm khổ tứ để thực hiện những giấc mơ tuyệt đẹp đó.

 

Câu chuyện về kinh doanh có thể đã quá đủ để chúng ta hiểu về một doanh nhân tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long như ông Phạm Văn Bên đây. Giờ tôi muốn nói về câu chuyện đối nhân xử thế của ông. Ông kể cho tôi một câu chuyện về kết quả của lòng tin mà ông đã đặt vào các nhân viên của mình. Một hôm, một nữ nhân viên của ông làm nhiệm vụ kiểm tra chất lượng nguyên liệu nhập vào mang chiếc điện thoại di động của mình trình bày với ông rằng một nữ quản lý người Việt của một công ty nước ngoài đã nhắn tin hỏi cô số tài khoản để “tặng quà”. Sở dĩ có điều này là gì người nữ nhân viên của ông đã  từ chối hơn ba xe nguyên liệu ngoại nhập vì không đạt yêu cầu nên bên đối tác tưởng cô muốn làm khó dễ để được bôi trơn. Sau đó ông đã nhẹ nhàng điện thoại với người quản lý kia và cho hay trong Doanh nghiệp của ông không hề có những loại tiêu cực như vậy mong đối tác hãy tôn trọng và tiếp tục làm ăn đàng hoàng.

 

Câu chuyện ông kể vốn đã hay nhưng cái cách mà ông tin người thể hiện qua giọng nói rất đầm ấm của ông lại càng khiến tôi tin tưởng và xúc động. Mà người ta đối xử tốt với ông như vậy là phải thôi vì ông đối xử với họ cũng hết lòng hết dạ. Với quan điểm luôn làm an tâm người lao động của mình, ông Bên đã xây dựng một chính sách trồng người hết sức sâu sắc. Công nhân của ông từ những người làm quản lý cho đến công nhân, lao công, bốc xếp có con cái đi học từ tiểu học đến đại học đều được hỗ trợ một phần học phí mà không kèm theo bất cứ một điều kiện ràng buộc nào. Doanh nghiệp cấp học bổng, cấp trợ cấp tiền học đầu năm cho con em họ theo mức: tiểu học và trung học phổ thông, trung cấp nghề 600.000 đ/tháng, cao đẳng 800.000 đ/tháng và đại học là 1.200.000 đ/tháng.

 

Cỏ May còn có chính sách giải quyết nhà ở cho các hộ nghèo từ năm 2007 đến nay. Nhiều người lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn đã được Doanh nghiệp cấp nhà tình thương để sinh sống, an tâm làm việc. Doanh nghiệp còn một chính sách nữa tuy nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm và lương tâm với người lao động. Công nhân bốc xếp vốn làm việc theo hợp đồng vụ việc và hưởng lương theo lao động thực tế của mình nên nếu vì hoàn cảnh nào đó họ không làm việc nữa thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thấu hiểu điều này, từ năm 2008 ông Bên giúp họ mỗi ngày một bữa cơm trưa với mức từ 9.000 đ rồi tăng theo giá cả lên 12.000 đ, 15.000 đ. Số tiền này không phát ngay cho họ mà bộ phận tiền lương sẽ giữ cho từng người và cộng dồn vào. Đến khi họ xin nghỉ việc vì bất cứ lý do gì thì Doanh nghiệp sẽ trả đủ lại cho người đó.

 

Thái độ thành tâm lắng nghe của tôi xuất phát từ tấm lòng khâm phục về cách đối đãi của ông với người khác lại được tưởng thưởng khi ông nói cho tôi nghe về một ý định mới. Nhằm giúp đỡ những sinh viên học Đại học tại Sài Gòn, ông Bên đã liên kết với trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh mở một ký túc xá với khả năng chứa khoảng 500 em. Những em được chọn vào ở ký túc xá này không phân biệt đến từ địa phương nào, học trường nào mà chỉ xét theo hai tiêu chí: một là học lực lấy từ trên xuống và gia cảnh lấy từ dưới lên. Khi được chọn các em không chỉ được ở không mất tiền mà còn được bao ăn miễn phí, tiền học phí cũng được lo luôn. Ngoài ra, ông Bên còn có ý định sẽ tổ chức mời người dạy kỹ năng mềm, kỹ năng sống và cả các môn năng khiếu cho các em ngay trong ký túc xá. Ông nói làm sao cho sinh viên ký túc xá của ông ngay khi sắp tốt nghiệp là đã có các tổ chức tuyển dụng tìm đến để mời chào công việc chứ không phải thất nghiệp sau khi tốt nghiệp như tình trạng hiện nay. Mà thật ra đây không phải là ý định mà đã gần trở thành hiện thực khi mà ông đã ký ghi nhớ với trường Đại học Nông Lâm theo phương thức: Nhà trường cung cấp mặt bằng còn Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May đầu tư 50 tỷ đồng để xây dựng. Hy vọng sẽ kịp đón sinh viên trong năm học 2015-2016. Hàng năm ông Bên chuẩn bị khoản kinh phí 15 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động của ký túc xá.

 

Khi tôi hỏi ông về những quan điểm mà Cỏ May hằng theo đuổi và xây dựng theo như những gì mà trang web comay.asia đã công bố như: “Con người là trung tâm của mọi sách lược. Phải có con người tốt thì mới có sản phẩm tốt và dịch vụ tốt.”; “Sản phẩm phải mang đến lợi ích cho khách hàng và đó mới chính là tố chất tạo sự kết dính bền vững.”; “Chất lượng thay lời nói”; “Thương trường là chiến trường, nhưng những người chân chính mới là những người chiến thắng sau cùng.”; “Văn hoá của Doanh nghiệp Cỏ May trước hết là mọi người phải được tôn trọng.”; “Với những thành tựu và trải nghiệm, “Cỏ May” tin tưởng vào những quan điểm đúng đắn của mình và xem đó là nền tảng để hướng đến tương lai bền vững!”… Thì ông cười và nói thật ra trước kia ông có biết gì về quan điểm, triết lý kinh doanh hay xây dựng thương hiệu gì đâu? Ông chỉ đơn thuần nghĩ rằng sống trên đời làm cái gì thì cũng phải đàng hoàng: đàng hoàng với người cộng tác, đàng hoàng với đối tác, đàng hoàng với khách hàng. Tất cả thành công của ông cũng xuất phát từ hai chữ đàng hoàng này. Ông tâm sự thêm: năm ông 59 tuổi tức là năm 2008, ông bị bệnh nặng từ viêm gian siêu vi C chuyển sang sơ gan và bác sĩ đã chê.

 

Sau khi đã tìm cách để chuyển giao những gì cần thiết cho sự phát triển của Doanh nghiệp khi mà ông không còn có thể trực tiếp điều hành nữa ông quyết định đàng hoàng với bản thân mình lần cuối. Ông áp dụng phương pháp nhịn ăn để trị bệnh bằng cách nhịn ăn liên tục 21 ngày mỗi ngày chỉ uống nữa lít nước. Sau khi phục hồi ông ăn gạo lức muối mè theo phương pháp Osawa. Kết hợp với việc dùng thuốc tây thời gian sau khi đi khám lại thì diệu kỳ thay ông đã khỏi bệnh và sống khỏe tới ngày hôm nay. 

 

Mặc dù cách suy  nghĩ của ông Bên đơn giản là vậy, mộc mạc là vậy nhưng với cách ứng xử, đối đãi với mọi người xuất phát từ cái tâm luôn nghĩ đến người khác đã đưa ông trở thành người làm chủ nghệ thuật thu phục nhân tâm dù ông không chủ tâm làm chuyện đó. Anh Phạm Minh Thiện, người con trai út của ông hiện là Trợ lý cho ông khi trao đổi với tôi trong lần gặp gỡ tại  buổi họp mặt Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã nói anh rất tâm đắc và sẵn sàng theo đuổi và thừa kế cách điều hành doanh nghiệp một cách đầy tình người của cha mình. Chia tay ông Bên tôi cảm thấy lòng rất thanh thản bởi vì nhiều lẽ: vì hiểu rằng thế gian này vẫn còn nhiều người tốt và những điều tốt vẫn đem lại cho đời, cho người những thành quả xứng đáng; vì hiểu rằng ngay trong cả thương trường khắc nghiệt là thế, quyết liệt là thế, rủi ro là thế tình người và đạo đức kinh doanh vẫn là những báu vật vô giá và vì hiểu rằng bí quyết từ tấm lòng của ông Phạm Văn Bên, Tổng giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May không  chỉ hiệu quả với riêng ông, doanh nghiệp ông mà còn có thể đem lại những lợi ích nhiều mặt với bất cứ doanh nhân nào biết áp dụng nó.

 

Tags: ông Phạm Văn Bên Cỏ May Cỏ May Group Cỏ May Đồng Tháp Ký túc xá Ký túc xá Cỏ May Sinh viên

Bài viết khác: