“Hai lúa” xây ký túc xá miễn phí
Nhiều người bảo ông là gàn, lập dị, chơi ngông hổng giống ai. Bởi thời buổi kinh tế khó khăn mà dám đầu tư hơn 37 tỷ đồng để xây ký túc xá miễn phí; rồi còn bỏ ra mỗi năm hơn 15 tỷ đồng nữa để lo chuyện ăn uống, sinh hoạt, học hành… cho 432 sinh viên nghèo khắp cả nước. Mới nghe tưởng đùa, nhưng là sự thật. Điều khá thú vị khi ông xuất thân từ một “Hai lúa” ở vùng sâu, từng bị bệnh xơ gan và bác sĩ đã chê. Thế nhưng, ông vẫn sống lạc quan, chiến thắng bệnh hiểm nghèo và trở thành doanh nhân thành đạt.
Lập nghiệp từ tổ sản xuất xà bông
Ông là Phạm Văn Bên, 66 tuổi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (chế biến thức ăn cá tra ở KCN Sông Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Là dân kinh doanh, nhưng trông ông hiền lành như một “Hai lúa”. Ông bảo: “Tôi cũng là nông dân, lớn lên từ nghèo khó; rồi được học hành, đi làm và may mắn thành công nên lúc nào cũng giữ cái chất lúa lúa thân thương, gần gũi…”.
Đưa chúng tôi đi một vòng nhà máy chế biến thức ăn cá tra rộng 3,6ha ngay bên dòng sông Hậu, ông Bên tiết lộ, nhà máy này xây năm 2013, thuộc loại hiện đại bậc nhất ở ĐBSCL với chi phí đầu tư 250 tỷ đồng, công suất 300.000 tấn/năm. Đây là nhà máy thức ăn cá tra thứ 2 của Cỏ May (trước đó đã có một nhà máy ở KCN Sa Đéc công suất 120.000 tấn/năm). Ngoài ra, Cỏ May còn có nhà máy sản xuất bao bì, nhà máy chế biến gạo cao cấp và một dãy resort 7,3ha ở Phú Quốc - Kiên Giang.
Ông Bên thành công nhờ chế biến thức ăn cá tra chất lượng cao.
Ông nhớ lại: “Tôi lớn lên ở cù lao xã Tân Long, huyện Thanh Bình, đất hẹp người đông, làm ruộng cứ mãi chật vật. Suy nghĩ nát nước để tìm hướng phát triển trong thời buổi kinh tế bao cấp, đất nước còn nghèo sau chiến tranh. Tháng 6-1981, tôi rủ vài người quen lập tổ sản xuất xà bông Cỏ May. Thời đó, công nghệ lạc hậu và thiếu vốn, nên sản xuất xà bông chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Tìm công thức sản xuất đã khó, khi sản phẩm làm ra đem đi bán càng khó hơn. Tên xà bông Cỏ May không ai biết, nên tôi chạy xe đi bỏ mối khắp các tiệm tạp hóa, chợ nông thôn… Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ người sử dụng, công đoạn nào chưa đạt là khắc phục ngay…
Cứ như vậy, từng bước cái tên Cỏ May được người dân tín nhiệm, thị trường tiêu thụ mở rộng. Từ huyện Thanh Bình, xà bông Cỏ May lấn xuống các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành của Đồng Tháp; rồi dạt sang miệt Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long… đâu đâu người dân cũng “mê” xà bông Cỏ May giá rẻ mà chất lượng đảm bảo”.
Năm 1988, Nhà nước có cơ chế thoáng cho phép tư nhân kinh doanh lương thực. Ông Bên liền nhảy vào làm dòng gạo cao cấp vừa phục vụ xuất khẩu, vừa tiêu thụ nội địa. Hướng đi khác lạ này đã tạo thêm một thương hiệu gạo Cỏ May luôn bán được giá cao hơn các loại gạo khác, nhờ chất lượng và đối tượng tiêu thụ là dân khá giả…
Chiến thắng bệnh tật
Công việc kinh doanh bề bộn thì đầu năm 2004, ông Bên được bác sĩ thông báo bị xơ gan. Bác sĩ cho biết bệnh ông đã khá nặng, do phát hiện muộn. “Nghe vậy, tôi xin điều trị theo phác đồ hoặc chích thuốc kéo dài thời gian, nhưng bác sĩ lắc đầu…”, ông Bên kể. Thay vì rầu lo khi vướng căn bệnh hiểm, ông Bên vẫn bình tĩnh. Ông rủ vài người bạn ra Phú Quốc chơi mấy hôm, như không có chuyện gì xảy ra.
Trên đường từ Phú Quốc về nhà, ông nhận được điện thoại của người bạn ở Bến Tre cho hay: “Sau khi Việt Nam thắng vụ kiện bán phá giá cá tra ở Mỹ, cả thế giới quan tâm đến sản phẩm cá tra của Việt Nam, nên thị trường tiêu thụ mở rộng. Nhiều nông dân ĐBSCL bùng nổ nghề nuôi cá tra xuất khẩu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thức ăn rất lớn. Hiện toàn vùng chỉ có vài nhà máy chế biến thức ăn nên không đáp ứng đủ. Do đó, đầu tư vào lĩnh vực thức ăn ngay thời điểm này là chắc thắng”.
Cuộc điện thoại giúp ông Bên nảy sinh nhiều suy nghĩ mới. Ông “gác” bệnh tật sang một bên, không đi bệnh viện nữa mà chỉ uống thuốc cầm chừng, dồn sức vào dự án mới. Lặn lội lên tỉnh tìm thuê đất ở KCN Sa Đéc, rồi chạy đi mua máy móc xây nhà máy chế biến thức ăn cá tra với chi phí ban đầu hơn 15 tỷ đồng. Làm xong nhà máy thì hết vốn, trong khi tiền mua nguyên liệu chế biến thức ăn đòi hỏi rất lớn.
Ông Bên vẫn luôn tỏ ra khỏe mạnh, tự tin không để công nhân trong nhà máy lo lắng và để đối tác an tâm khi làm ăn dài hạn. Ông cam kết với đối tác sẽ thanh toán tiền mua nguyên liệu đúng hẹn; đảm bảo với nông dân nuôi cá tra về chất lượng thức ăn Cỏ May. Chỉ thời gian ngắn làm ăn, mọi người thấy ông Bên uy tín nên ai cũng tín nhiệm. Nông dân, đại lý các nơi tìm tới mua thức ăn tăng liên tục, nhiều đối tác tình nguyện cung ứng nguyên liệu dài hạn. Nhà máy từ chỗ thiếu vốn hoạt động, bỗng trở nên thừa vốn. Công suất được nâng lên và ông cũng… quên mất bệnh tình bởi suốt ngày làm không kịp thở…
Năm 2008, khi nhà máy hoạt động ổn định, ông mới nghĩ tới việc chữa trị bệnh tình, bởi lúc này ông còn bị tiểu đường. Ông lên TPHCM kiểm tra, bác sĩ đề nghị ông truyền máu. Song, ông từ chối bởi nghĩ rằng đây chưa phải là cách giải quyết tận gốc mầm bệnh. Sau đó, ông áp dụng nhịn ăn tới 21 ngày nhằm thải loại các độc tố trong người ra ngoài. Đồng thời, chuyển sang ăn gạo lứt - muối mè hơn 1 năm và uống thuốc trị bệnh xơ gan, cùng bệnh tiểu đường theo toa bác sĩ. Cách làm hổng giống ai này không ngờ giúp ông phục hồi sức khỏe tốt lên. Sau đó, ông tiếp tục “nhịn ăn” thêm 6 lần nữa. Dần dần cả 2 chứng bệnh xơ gan và tiểu đường “trốn mất”.
Ký túc xá miễn phí
34 năm từ một “Hai lúa” bước ra thương trường kinh doanh và tạo “thương hiệu Cỏ May” như hôm nay với doanh số đạt 1.200 - 1.400 tỷ đồng/năm, ông trải qua nhiều thăng trầm. Cỏ May bây giờ trở thành một trong những doanh nghiệp chế biến thức ăn cá tra hàng đầu ở ĐBSCL. Song, bản chất ông vẫn “Hai lúa” như ngày nào và làm việc hổng chịu nghỉ hưu. Cùng với kinh doanh, ông tích cực tham gia xã hội, giúp người nghèo khó. Ông tâm niệm làm việc gì đó có ích, để lại dấu ấn sau này. Ông kể: “Giữa năm 2013, khi lên TPHCM bàn công việc, tôi thấy nhiều sinh viên vất vả thuê nhà trọ. Tối về khách sạn nghỉ, trong đầu cứ miên man hoài, rồi nhớ cái thời bao cấp, bản thân mình nghèo khó phải nương nhờ cô nhi viện để học. Tại sao không xây ký túc xá miễn phí cho sinh viên có nơi ở ổn định để chuyên tâm học hành?”. Ngay lập tức ông gọi điện cho bạn bè quen ở các trường đại học trình bày ý tưởng “tư nhân đầu tư 100% vốn xây ký túc xá miễn phí cho sinh viên, trong khuôn viên của trường”. Nghe xong, nhiều trường không dám nhận lời, bởi xưa nay chỉ có Nhà nước xây ký túc xá, chứ tư nhân chưa ai làm.
Trong lúc bối rối thì một người quen giới thiệu cho ông gặp PGS-TS Phạm Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Cuộc gặp diễn ra sau đó và ông Bên đề xuất được đóng góp kinh phí với nhà trường đào tạo sinh viên toàn diện từ học kiến thức, đến những kỹ năng “mềm”, năng khiếu, kiến thức xã hội, thực tiễn cuộc sống… Cụ thể, ông Bên đề xuất xây một ký túc xá hiện đại, quy mô khoảng 54 phòng (8 sinh viên/phòng) đảm bảo nơi ở cho 432 sinh viên/khóa học; kinh phí hơn 37 tỷ đồng. Ngoài kinh phí xây dựng, Cỏ May tiếp tục đầu tư hơn 15 tỷ đồng/năm để lo toàn bộ ăn uống, học hành, sinh hoạt… cho sinh viên nghèo, học giỏi. Tóm lại, khi sinh viên vào ký túc xá này thì chỉ lo học hành, còn chuyện ăn ở, ông lo hết.
PGS-TS Phạm Văn Hiền vô cùng bất ngờ việc này, nhưng thận trọng bởi lần đầu tiên biết ông Bên. Sau khi bàn bạc với ban giám hiệu nhà trường, PGS-TS Phạm Văn Hiền được phân công dẫn đầu đoàn công tác “vi hành” về Đồng Tháp thăm cơ ngơi của Cỏ May. Các nhà máy của Cỏ May được các vị khách Đại học Nông Lâm khảo sát kỹ. Song, mọi chuyện tiếp tục nằm trên giấy và nhà trường lại âm thầm tìm hiểu thêm thông tin về ông Bên. Ông Bên tiết lộ, toàn bộ số tiền trên do gia đình ông tích lũy và vợ con đều ủng hộ. Mục đích để đào tạo những sinh viên nghèo trở thành người giỏi trên nhiều mặt, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cần; tránh tình trạng sinh viên ra trường vất vả chạy tìm việc như hiện nay, bởi một số trường đào tạo chất lượng kém, học không đúng nhu cầu…
“Tôi có dãy resort ở Phú Quốc và đang mở rộng thêm, nên doanh thu từ đây đã đủ lo 15 tỷ đồng/năm cho sinh viên ăn học; chưa kể doanh thu hàng ngàn tỷ đồng/năm của Cỏ May từ các nhà máy khác. Vì vậy, Cỏ May đủ lực làm ký túc xá miễn phí dài hạn”, ông Bên khẳng định.
Tấm lòng ông Bên đã khiến nhà trường cảm động. Ngoài ra, khi tìm hiểu thì lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao ông Bên từ sản xuất kinh doanh đến đạo đức, lối sống. “Tới lúc này chúng tôi xác định, Trường Đại học Nông Lâm rất may mắn khi quen với ông Bên. Nhà trường lập tức làm đề án trình Sở Xây dựng TPHCM, Bộ GD-ĐT… xin chủ trương cho tư nhân tài trợ 100% vốn xây ký túc xá miễn phí trên phần đất của trường.
Nhìn đề án, Bộ GD-ĐT rất mừng, nhưng phân vân bởi lần đầu tiên xuất hiện chuyện lạ lùng này. Thế là nhà trường tiếp tục giải thích, nguyện vọng của ông Bên muốn góp phần đào tạo các thế hệ sinh viên toàn diện. Khi các em ra trường sẽ toàn quyền chọn nơi làm việc phù hợp, không đòi hỏi phải về Cỏ May công tác... Cuối cùng, Bộ GD-ĐT đồng ý phê duyệt”, PGS-TS Phạm Văn Hiền phấn khởi nói.
Ông Bên bật mí, kinh phí xây dựng ký túc xá đã chuẩn bị xong và dự kiến khởi công trong quý 2-2015, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Cỏ May muốn ghi dấu ấn công trình vào năm này, nhằm tri ân Đảng - Nhà nước đã tạo cơ chế thoáng; các cấp, các ngành hỗ trợ để Cỏ May có ngày hôm nay. “Sau khoảng 1 năm xây dựng, ký túc xá sẽ đưa vào hoạt động. Khi đó, Cỏ May và nhà trường sẽ gửi thông báo cho ngành giáo dục các tỉnh thành trong cả nước, các trường đại học ở TPHCM… về việc tuyển sinh viên vào ký túc xá miễn phí này. Có 2 yêu cầu để chọn các em vào đây là học giỏi chọn từ trên xuống và nghèo khó chọn từ dưới lên. Rồi đây lớp sinh viên mới được trang bị đa dạng về kiến thức và bản lĩnh để tự tin hội nhập…”, ông Bên kỳ vọng vào việc làm ý nghĩa của mình.
Tags: Sinh viên Ký túc xá Cỏ May Ký túc xá Cỏ May Đồng Tháp Cỏ May Cỏ May Group ông Phạm Văn Bên