Ký kết xây dựng ký túc xá Cỏ May

Đáp lại tấm chân tình của ông Phạm Văn Bên, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tặng ông bức tranh có thêu chữ “tâm” - Ảnh: Quang Phương

 

Đây là mô hình ký túc xá miễn phí đầu tiên cho sinh viên, cấp miễn phí chi phí ăn ở, đào tạo kỹ năng mềm do doanh nghiệp đầu tư.

Theo đó, Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May mà đại diện là ông Phạm Văn Bên, giám đốc, sẽ xuất vốn 37 tỉ đồng đầu tư xây dựng ký túc xá trên đất thuộc quản lý của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM; đồng thời hằng năm Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May sẽ cấp khoảng 15 tỉ đồng lo chi phí cho sinh viên ở trong ký túc xá.

Ký túc xá có sức chứa 432 sinh viên, dự kiến khởi công xây dựng trong quý 2-2015 và bắt đầu tuyển sinh viên vào ở từ năm học 2016-2017. Các sinh viên được chọn ở trong ký túc xá sẽ được bao ăn, bao ở và đào tạo kỹ năng mềm miễn phí trong năm đầu tiên.

Các năm tiếp theo, tùy theo kết quả học tập, nhân cách của từng sinh viên mà doanh nghiệp sẽ có những mức hỗ trợ ăn, ở, học phí khác nhau. Ký túc xá này chỉ dành cho những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc được xét từ cao đến thấp; hoàn cảnh gia đình có mức độ khó khăn từ thấp đến cao theo tỉ lệ quy định.

Ông Phạm Văn Bên chia sẻ từ khi báo Tuổi Trẻ thông tin về việc ông sẽ xây dựng ký túc xá miễn phí cho sinh viên (“Một doanh nhân tặng ký túc xá cho sinh viên nghèo”, Tuổi Trẻ ngày 14-4) có rất nhiều cá nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn gọi điện động viên, chia sẻ và ngỏ ý muốn đóng góp kinh phí xây dựng ký túc xá cùng ông.

“Trong những ngày qua, tôi và những người thân trong gia đình nhận được khá nhiều tin nhắn, cuộc gọi và email của rất nhiều người chia sẻ về việc làm của tôi. Chúng tôi rất xúc động trước tình cảm mà mọi người dành cho gia đình chúng tôi. Nhiều doanh nghiệp đề nghị đóng góp kinh phí để cùng xây dựng nhưng tôi từ chối. Tôi mong muốn rằng từ mô hình tôi làm sẽ nảy nở, nhân rộng ra nhiều doanh nghiệp khác để có nhiều chỗ ở miễn phí cho các sinh viên nghèo” - ông Bên nói.

Ông Bên tâm sự thêm lâu nay ông đi làm thiện nguyện rất nhiều, nhưng rồi ông suy nghĩ làm thiện nguyện như vậy chỉ giúp người nghèo trong một thời khắc nhất định, giống như cho người ta con cá mà thôi.

“Tôi quyết định bỏ tiền đầu tư xây dựng ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo với tâm nguyện muốn góp phần đào tạo họ trở thành người giỏi trên nhiều mặt, đóng góp tích cực cho xã hội. Vun đắp, chăm lo cho những sinh viên nghèo có điều kiện học tập thành tài là việc làm thiện nguyện có hiệu quả lâu dài nhất, giống như mình cho họ cái cần câu để họ tự câu cá, nuôi sống bản thân” - ông bộc bạch. 

Tác giả: Quang Phương

Nguồn: Tuổi trẻ

Bài viết khác: