Người học trò Chợ Mới năm xưa làm chuyện “lạ đời”
Báo chí ca ngợi nhiều về anh, nhưng cũng có không ít người nói anh lập dị, chơi ngông chẳng giống ai, gây “sốc” để được chú ý. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, mà dám đầu tư hơn 37 tỷ đồng để xây dựng ký túc xá miễn phí, rồi còn bỏ ra mỗi năm 20 tỷ đồng để bao ăn, lo học phí và rước thầy về dạy kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kể cả các môn năng khiếu cho hơn 430 sinh viên nghèo, học giỏi ngay trong ký túc xá. Nhưng ít ai biết, điều gì khiến anh bỏ tiền tỷ để biến ý tưởng thành hiện thực.
Trong một lần về huyện Chợ Mới dự lễ giỗ người thầy cũ, tổ chức tại ngôi trường nơi anh từng học, anh nhận ra tôi, trong khi tôi chưa hết ngỡ ngàng thì anh cười hiền: “Bên nè, còn nhớ không?”. Nhìn hồi lâu, tôi mới nhận ra người học trò nhà quê từng qua đò sang Chợ Mới học ngày nào, giờ vẫn giữ được tính nết chân chất, hòa đồng và dễ gần, dù đã trở thành một doanh nhân thành đạt nổi tiếng trên thương trường: Phạm Văn Bên, Tổng Giám đốc hệ thống doanh nghiệp tư nhân Cỏ May. Điều đó cho thấy, anh vẫn còn nhớ đến công ơn thầy cô với lòng tôn kính và giữ được tình thân với bạn bè cũ. Và, cũng chính lần gặp lại sau hơn 40 năm xa cách, tôi mới biết anh là người đầu tư thực hiện ký túc xá miễn phí đầu tiên ở Việt Nam.
Anh Phạm Văn Bên (bìa trái) trao đổi với phóng viên Báo An Giang về dự án xây dựng ký túc xá miễn phí
Khơi gợi lại ký ức xưa, nhớ về thời niên thiếu đầy gian khó của mình, anh trầm tư: “Nói theo nhà văn Vũ Trọng Phụng, tôi sinh ra đời với một “ngôi sao xấu”. Khi tôi mới 2 tháng tuổi, ba qua đời, mọi lo toan cho gia đình đều đổ dồn lên đôi vai gầy của mẹ, khi phải tảo tần mua bán phương xa để nuôi các con ăn học. Trong bối cảnh xã hội khó khăn lúc bây giờ, nhà cũng nghèo nên việc đi học cũng lắm vất vả. Ở vùng cù lao Tây (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) thời đó không có trường trung học, muốn học tiếp phải đạp xe hơn 5 cây số đường đất lồi lõm, ngoằn ngoèo và qua một con đò vượt sông mới tới trường. Cam go hơn, khi đến mùa nước nổi, đường làng quê ngập hết, nên năn nỉ mẹ cho qua Chợ Mới tìm nơi xin ở trọ để tạm trú đi học, mà như vậy thì tăng thêm chi phí học hành, cũng có nghĩa là lưng mẹ oằn nặng hơn.
Bản tính tôi vốn hiếu động, hay nói nôm na là ham chơi, nên thi rớt tú tài. Với kết quả buồn này, tôi rất hối hận và dặn lòng không làm phiền mẹ nữa, mà cố gắng học lại để thi lần 2, nhưng không xin tiền mẹ như là một cách tự phạt. Đợi lúc mẹ vui, tôi thủ thỉ chuyện lên Sài Gòn tìm việc làm để tiếp tục học. Trước quyết định đột ngột này, mẹ bặm môi lặng thinh, vì biết con mình chưa từng đặt chân đến đó bao giờ. Mẹ buồn, nhưng cũng cố nén lòng để con tập làm quen với cuộc sống tự lập.
Ở Sài Gòn, tôi làm đủ thứ nghề, kể cả làm công nhân lò bánh mì để kiếm tiền trang trải cho việc ăn học. Và, như một cơ duyên, tôi được các bạn làm chung đang sống ở Cô nhi viện Quách Thị Trang rủ về gặp thầy Thích Nhật Thiện, Giám đốc Cô nhi viện trình bày hoàn cảnh khó khăn để xin thầy cho tá túc. Không biết nhìn nhân cách, tướng mạo của tôi thế nào mà thầy gật đầu. Còn các bạn thì nói, đây là trường hợp cá biệt chưa từng có tiền lệ ở đây. Tôi mừng đến ứa nước mắt, vì đã có chỗ ăn, ở miễn phí để vừa học, vừa làm”.
Đã từng trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió của cuộc đời. Từng rơi vào hoàn cảnh như các học sinh, sinh viên khốn khó, anh thấu hiểu và đồng cảm với các cháu, nên khi đi lên từ Tổ hợp tác sản xuất xà bông Cỏ May ở làng quê, rồi trở thành một doanh nhân thành đạt, anh luôn nghĩ đến những người chung quanh và hướng về cộng đồng. “Qua những chương trình “Tiếp sức đến trường”, tôi thấy có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn, ngậm ngùi hồi tưởng lại quá khứ của mình, nó hun đúc nên ý tưởng. Sau đó, tôi càng nghiền ngẫm, càng tâm đắc với ý tưởng xây dựng một ký túc xá miễn phí. Lâu nay, tôi vẫn giúp cho các học sinh, sinh viên nhiều lắm, kể cả bây giờ cũng thế. Nhưng nghĩ lại, giúp như vậy chưa giải quyết căn cơ của xã hội, tôi muốn làm một cái gì đó căn cơ hơn, tạo một thế hệ có tâm, có tài và lịch lãm hơn”- anh Bên tâm sự.
Khi đem ý tưởng xây dựng ký túc xá miễn phí bàn với bà xã, anh cũng sợ sẽ có phản ứng mạnh, bởi đàn bà thường dễ xót “của” khi bỏ ra một số tiền lớn mà không sinh lời, còn các con thì không khỏi ngạc nhiên trước quyết định của cha mình, vì sợ với quy mô quá lớn và kéo dài liệu có kham nổi? Nhưng anh vẫn tự tin: “Từ lâu, bà xã và các con rất có niềm tin với những quyết định của tôi”. Thế là anh đi tìm đối tác để hợp tác thực hiện ý tưởng mà mình đã ấp ủ từ lâu.
Trong quá trình mang ý tưởng tìm nơi hợp tác thực hiện, có người cũng xét nét đủ điều, cuối cùng anh được Trường đại học Nông Lâm (TP. Hồ Chí Minh) đồng ý hợp tác thực hiện dự án xây dựng ký túc xá miễn phí ngay trong khuôn viên của trường và được Bộ Giáo dục-Đào tạo phê duyệt. Khi truyền thông đưa tin về sự kiện “lạ đời” này, có nhiều nhà hảo tâm, tập đoàn, doanh nghiệp gọi điện động viên, chia sẻ và ngỏ ý muốn đóng góp kinh phí để cùng anh xây dựng, nhưng anh đều từ chối. “Tôi nghĩ, việc làm của chúng tôi hết sức khiêm tốn so với nhu cầu của xã hội, nhưng kỳ vọng những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp sẽ nhân rộng mô hình này để xã hội có thêm nhiều ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo học giỏi”- anh Bên bộc bạch.
Khi được hỏi, ký túc xá đi vào hoạt động, anh cũng cần có nhân sự quản lý- điều hành và bộ phận giúp việc. Như vậy, phải trả lương, thêm một gánh nặng về tài chính, trong khi đây là loại hình “sự nghiệp không có thu”, liệu chạy đường dài anh có cảm thấy đuối? Anh Bên cười: “Theo quan điểm của tôi, mình ăn chay không bắt cả nhà ăn chay, nếu anh em nào thiện nguyện thì tốt, còn không thì tôi vẫn trả lương sòng phẳng. Còn chuyện có đuối hay không, trong dài lâu tôi đã có kế hoạch là cả hệ thống Cỏ May phải dành phần ưu tiên về lợi nhuận để duy trì hoạt động của ký túc xá. Thí dụ, mỗi năm lời 100 tỷ đồng, thì trích trước 20 tỷ đồng cho ký túc xá, số còn lại mới chia cho cổ đông. Ngoài ra, trong di chúc thừa kế, tôi cũng căn dặn các con phải cố gắng chung tay nuôi dưỡng ký túc xá như là một cách trả ơn đời”.
Ký túc xá Cỏ May nằm trong khuôn viên Trường đại học Nông Lâm (TP. Hồ Chí Minh), có quy mô 5 tầng, 54 phòng, với diện tích sàn hơn 4.000m2, đáp ứng chỗ ở, sinh hoạt, học tập cho 432 sinh viên nghèo, học giỏi. Đây là ký túc xá miễn phí đẳng cấp đầu tiên tại Việt Nam, chỉ dành cho những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc được xét từ cao đến thấp và gia cảnh có mức độ khó khăn từ thấp đến cao theo tỷ lệ quy định. Dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ năm học 2016-2017.
Tác giả: HOA NGHĨA ĐOÀN
Nguồn: An Giang Online