Người xây ký túc xá 40 tỷ đồng miễn phí cho sinh viên
Trước khi mất, ông Bên - người bỏ 40 tỷ đồng xây nơi ở miễn phí cho sinh viên - lập Ban tang lễ cho mình và dành không ít tiền tiếp tục tặng học bổng cho trẻ nghèo ham học.
Ông Phạm Văn Bên. Ảnh: Gia đình cung cấp
Một ngày sau khi ông Phạm Văn Bên (67 tuổi, ngụ Đồng Tháp) được an táng, sáng 14/4, công trình ký túc xá miễn phí cho sinh viên tại Đại học Nông Lâm TP HCM (quận Thủ Đức) đã vang rền tiếng máy móc. Bà Nguyễn Thị Bao - Trưởng ban quản lý Ký túc xá - đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình đúng ngày 9/6, kịp đón các tân sinh viên nghèo ở, theo ước nguyện của ông Bên.
Bà lão 71 tuổi nói vẫn nhớ như in ngày 12/12/2012, trong một cuộc hàn huyên bên quán cà phê ở Sa Đéc, ông Bên đã chia sẻ ý tưởng xây ký túc xá này và đề nghị bà làm quản lý.
Ban đầu ông tính xây một viện dưỡng lão cho người già neo đơn, song sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định dành 40 tỷ đồng làm chỗ ở cho sinh viên nghèo. Ông bảo, quá khứ nghèo khó thời thơ ấu khiến ông hiểu hơn ai hết gánh nặng cơm áo, gạo tiền nên khi có điều kiện, ông muốn làm một việc ý nghĩa nâng đỡ các em sinh viên nghèo khó.
Khi có ý tưởng, ông đã gác công việc của một chủ doanh nghiệp để tìm kiếm lô đất thích hợp xây dựng ký túc xá. May mắn đến với ông khi Đại học Nông Lâm TP HCM ủng hộ nhiệt tình, trích một quỹ đất tại quận Thủ Đức dành cho công trình ký túc xá Cỏ May.
Theo dự án được duyệt, ký túc xá có 54 phòng ở, 3 phòng tự học cùng hội trường sinh hoạt chung cho 432 sinh viên.
Bà Nguyễn Thị Bao (trái) làm việc với nhà thầu thi công ký túc xá miễn phí cho sinh viên. Ảnh: Mạnh Tùng
"Ông Bên là người tử tế. Tôi cảm nhận sự tử tế từ ngày đầu gặp ông ấy cách đây 27 năm", bà Bao nói.
Hồi đó, bà là cán bộ ngân hàng lần đầu tiếp xúc với doanh nghiệp của ông Bên khi vẫn còn là một cơ sở sản xuất. "Dù rất khó khăn và cần vay tiền ngân hàng, song ông ấy gây ấn tượng với tôi bởi vẻ từ tốn, chân tình, thuyết phục. Cơ duyên này đã khiến tôi và ông từ chỗ là đối tác trở thành bạn bè rồi thành chị em thân thiết gần ba chục năm qua", bà lão kể.
Bà cho biết thêm, sinh thời ông Bên dặn sau này tuyệt đối không nhận bất cứ khoản tài trợ nào của sinh viên từng ở ký túc xá miễn phí này. Nếu các em muốn được cưu mang thế hệ đàn em nghèo khó, hãy chung tay để làm những việc ý nghĩa, chẳng hạn tạo ra một ký túc xá khác.
Nói về cha, anh Phạm Minh Thiện cho hay, nhiều năm qua ông Bên có thói quen cuối mỗi tháng lại ra ngân hàng để chuyển tiền học bổng cho gần 20 sinh viên khắp mọi nơi được ông trợ cấp. Chỉ khi nào quá bận, ông mới để đến đầu tháng chuyển tiền bởi ông bảo “mình không gấp nhưng mấy đứa nó gấp lắm”. Gửi tiền xong, ông lại hì hụi nhắn tin cho từng em “Chú Bên vừa gửi tiền học bổng cho cháu rồi”, dù phần lớn ông chưa gặp người nào.
Anh Thiện đề nghị ba chuyển công việc này cho nhân viên kế toán để gửi tiền nhanh, đỡ mất thời gian nhưng ông không chịu. "Tôi hiểu đó là niềm vui của ông", anh Thiện nói.
Con trai út của ông Bên nói rất tự hào về cha vì ông là người vẹn toàn, chu đáo với mọi người. Trước khi qua đời vài ngày, ông thành lập ban tang lễ cho chính mình để gia đình đón tiếp chu đáo khách viếng thăm. Bao gồm: ông thông gia làm trưởng ban và thành viên là những cộng sự của ông Bên ở doanh nghiệp Cỏ May. Những ngày cuối đời, dù sức khỏe đã cạn kiệt nhưng ông vẫn tự đi trông coi việc xây kim tỉnh cho mình.
Ông Bên cũng muốn những năm tiếp theo doanh nghiệp của ông sẽ dành 15 tỷ đồng để đóng học, chi phí ăn uống, học tiếng Anh, tin học… cho toàn bộ sinh viên được chọn vào ở ký túc xá trong suốt thời gian học. "Gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục tâm nguyện của ba", anh Thiện khẳng định.
Ký túc xá Cỏ May đang được xây dựng. Ảnh: Mạnh Tùng
Ngày ông Bên mất, một người bạn là Bí thư Tỉnh ủy ở miền Tây, đang công tác ngoài Hà Nội, chưa thể về thăm nên viết bức thư gửi cho gia đình ông Bên. Nói về những đóng góp của ông khi giúp đỡ sinh viên nghèo, Bí thư Tỉnh uỷ viết: "Mấy ai trong đời làm được những chuyện như vậy? Chắc là có, nhưng chắc là hiếm lắm! Thực hiện được ước mơ cháy bỏng cả cuộc đời mình bằng tấm lòng thiện nguyện, trong sáng, chắc Anh đã trải qua nhiều đêm trăn trở, dằn vặt giữa cái riêng và cái chung, giữa gia đình và xã hội, giữa hiện tại và tương lai”.
Trong thư, ông này cũng bày tỏ sự kính trọng khi gọi ông Bên là “Người Thầy không bục giảng”.
Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Nông Lâm TP HCM) - đặc biệt ấn tượng về tấm lòng đôn hậu của ông Bên trong những lần tiếp xúc.
"Mong ước được tận mắt chứng kiến 432 sinh viên được ăn ở, học hành miễn phí của bác Bên đã không thành. Bác đã mất nhưng trái tim giàu lòng nhân ái của bác vẫn ở lại…", ông Lý nói.
Tác giả: Mạnh Hùng
Nguồn: VNExpress