KÝ TÚC XÁ CỎ MAY: TIẾP BƯỚC SINH VIÊN NGHÈO HỌC GIỎI

Blog Single

Tọa lạc trong khuôn viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM (Khu phố 6, phường Linh Trung, Q. Thủ Đức, TP.HCM). Ký túc xá Cỏ May (KTX Cỏ May) có diện tích rộng hơn 2.600 m2, thiết kế 4 tầng hiện đại, khang trang. Đó là tâm nguyện của một Doanh nhân người Nam Bộ đã viết nên nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời qua các thế hệ sinh viên trên cả nước, học tập và sinh sống tại TP.HCM.  

Toàn cảnh KTX Cỏ May nhìn từ ngoài cổng vào

Nơi học tập và rèn luyện giá trị sống

Với mục đích: “Tiếp bước sinh viên nghèo – học giỏi”, KTX Cỏ May xây dựng nên nhằm giúp các sinh viên tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên, có được điều kiện thuận lợi để hoàn thành bậc đại học, trở thành những công dân ưu tú góp phần xây dựng đất nước.

Ký túc xá có diện tích hơn 2.600 m2. Gồm một trệt, ba lầu, tổng diện tích sàn xây dựng trên 4.100 m2, với 54 phòng ở cho sinh viên, 3 phòng học chung, 1 sảnh lớn dành cho sinh hoạt chung. Sức chứa tối đa 432 sinh viên. 

Một góc KTX Cỏ May

Bên trong mỗi phòng của KTX Cỏ May có 4 giường đôi cho 8 người. Khi vào ở, sinh viên sẽ được cung cấp miễn phí chăn, gối, màn, chiếu. Chiếc tủ bằng gỗ cấp cao có 8 ngăn và chìa khóa cho các sinh viên để đồ cá nhân. Mỗi phòng có 2 nhà tắm, 2 phòng vệ sinh, lắp sẵn các dãy móc để sinh viên treo đồ, nón bảo hiểm, chổi quét... Hai bồn rửa mặt, đánh răng lắp tấm gương lớn. Phần bên ngoài là khoảng trống để giặt, phơi đồ, nơi có ánh nắng lọt vào và gió thông thoáng. Hành lang các tầng được thiết kế rộng, đầy đủ ánh sáng, có hệ thống báo cháy tự động, camera quan sát, loa thông báo, wifi. Mặc dù sinh viên được ở hoàn toàn miễn phí nhưng KTX vẫn lắp đồng hồ điện, nước riêng cho các phòng. Đặc biệt, các sinh viên sẽ được BQL KTX cấp chi phí ăn uống 280.000 đồng/tuần.

Hằng năm, KTX Cỏ May dự kiến tuyển 100 tân sinh viên các trường đại học công lập trong phạm vi xét tuyển.Các sinh viên được nhận vào KTX Cỏ May đủ các điều kiện sau: Đã thi đậu vào các trường đại học công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, gia cảnh nghèo, học giỏi.

Những sinh viên trúng tuyển vào KTX Cỏ May sẽ được hỗ trợ tiền ăn hằng tuần, ở miễn phí, được trợ cấp toàn bộ học phí trong học kỳ đầu tiên, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Các học kỳ tiếp theo sẽ căn cứ vào kết quả học tập của học kỳ trước đó để xét cấp tiếp, được hỗ trợ kinh phí học ngoại ngữ, đi thực tập, học tập nước ngoài, tin học, và các kỹ năng mềm... đảm bảo phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu công việc của xã hội văn minh, hiện đại.

Sinh viên học tập và rèn luyện trên tinh thần ‘Tự giác-Tôn trọng- Trách nhiệm’. Tuy nhiên, trong quá trình học tập sinh hoạt, những sinh viên có kết quả học tập không đạt, thiếu rèn luyện đạo đức tư cách... sẽ bị đưa ra khỏi KTX Cỏ May. Đối với sinh viên học giỏi, rèn luyện hạnh kiểm tốt sẽ được thưởng đi du lịch trong và ngoài nước.

Sinh viên sinh hoạt kỹ năng cuối tuần

Bên cạnh đó, sinh viên được đóng góp những ý tưởng cho ký túc xá, thoải mái sáng tạo, có sáng kiến tham gia nghiên cứu khoa học. Trong chương trình “Vui sống mỗi ngày” (VTV3), anh Phạm Minh Thiện (con trai ông Bên, Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May), người tiếp tục thực hiện di nguyện của ba mình, mong muốn KTX Cỏ May là nơi rèn luyện giá trị sống và bổ sung kỹ năng sống cho các bạn sinh viên. Để sau này, khi rời KTX các bạn vững vàng trở thành người tốt. Giống như ba anh từng nói: “Làm sao để giúp các bạn sinh viên đạt được tấm bằng đại học, để các bạn có tài, có đức giúp ích cho đất nước”.

Người thầy không bục giảng

Doanh nhân Phạm Văn Bên (tên thường gọi Út Bên) mong muốn làm 1 hoạt động giúp ích cho cộng đồng. Ông trăn trở xây dựng nhà dưỡng lão hoặc xây dựng ký túc xá cho sinh viên. Được sự thống nhất, gia đình ông Bên quyết định xây dựng KTX dành cho sinh viên.

Doanh nhân Phạm Văn Bên

Trong quá trình tìm đất, đi tìm chỗ. Năm 2014, trong một lần ông Bên mời thầy Tuân, cô Dân của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM về kiểm tra chất lượng thực phẩm sản xuất ở công ty, biết ông Út có mong muốn xây dựng ký túc xá, nên giới thiệu ông cho trường. Thấy được ý tưởng ‘độc’ và ‘lạ’, rất thiết thực của ông Bên, Đại học Nông Lâm TP.HCM đã xúc tiến ngay xin giấy phép xây dựng, được Bộ GD - ĐT cấp phép xây dựng năm 2014. KTX Cỏ May ra đời là kết quả của sự liên kết giữa Doanh Nghiệp Tư Nhân Cỏ May và Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù bệnh, nhưng ông Út vẫn lên Sài Gòn để chứng kiến người thợ xây dựng công trình mà ông tâm huyết, nguyện vọng của ông chính là làm sao nhìn được hoạt động của ký túc xá Cỏ May. Tuy nhiên, sức khỏe của ông Bên không được tốt ở cái tuổi xế chiều, ông cố gắng chữa trị nhưng đã ra đi mãi mãi khi căn nhà người con thứ 6 của mình vừa hoàn thành được khoảng 70%.

Sự ra đi của ông út là một tổn thất về mặt tinh thần rất lớn đối với gia đình và sự tiếc nuối lớn đối với cộng đồng, đặc biệt là sinh viên. Năm ông út qua đời (năm 2016) cũng là năm mà KTX Cỏ May đưa vào sử dụng. Ông không kịp chào đón những người con thứ sáu đầu tiên của mình bước vào một đại gia đình lớn.

 

Ông Bên từng tâm sự: “Tui xây KTX cho sinh viên nghèo để vừa lo cho các em học thành tài, vừa quan tâm dạy dỗ các em về đạo làm người, về tình yêu thương giữa người với người và trên hết là tình yêu cùng trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc mình. Đó cũng là cách tui trả ơn cuộc đời này”.  

Tìm ngay giữa cuộc sống đời thường này khó có thể tìm thấy ai có nghĩa cử cao đẹp như ông Bên. Nét mộc mạc, chân chất của ông Út đúng chất là một nông dân miền Tây Nam Bộ chính hiệu.  

Cả cuộc đời ông Út Bên dành trọn cho cộng đồng, chính sự tử tế của ông đã thắp sáng nên bao nhiêu mảnh đời khó khăn, đó chính là sự thấu cảm chính từ cuộc sống nghèo khó của ông. Ngay từ thời niên thiếu ông Bên lên Sài Gòn làm công nhân, vừa làm, vừa học làm việc cật lực, thiếu ngủ, thân thể tiều tụy. Cơ duyên ông út được vào ở cô nhi viện được đi học, không mất tiền ăn, tiền ở. Ông tự cảm thấy mình nợ đời rất nhiều, vì được ăn cơm bá tánh do những người hảo tâm đóng góp. Điều đó cứ thôi thúc ông phải làm điều tốt đẹp cho cộng đồng. Thế nhưng, cách làm từ thiện trước giờ chỉ giúp chữa cháy cho một vài cá nhân, không giải quyết được căn cơ vấn đề của xã hội nên ông út mới nảy ra ý tưởng xây dựng KTX với kỳ vọng sẽ góp phần đào tạo một thế hệ sinh viên có tài, có tâm, góp phần kiến tạo xã hội.

Lễ tri ân bác Bên -‘Người thầy không bục giảng’ tại KTX Cỏ May

 

Nhiều người thắc mắc không biết vì sao đặt tên là Cỏ May. Cỏ May được ra đời bởi chính sự mộc mạc của nó, trong một lần Ông Út đọc truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài ông thích tên Cỏ May một cái tên bình dị, nghe lạ mà nhớ lâu. Từ đó, ông lấy tên là Cỏ May đặt cho tên doanh nghiệp của mình, rồi đặt tên là KTX Cỏ May. Cỏ May cái tên trở nên thân thuộc đối với nhiều người và thực sự nó đã in sâu vào các bạn sinh viên.

Tất cả nguồn kinh phí để KTX có thể duy trì, hỗ trợ cho các bạn sinh viên hơn gần 4 năm qua đều do Doanh nghiệp Cỏ May hỗ trợ, cho đến hiện tại chưa nhận sự hỗ trợ từ bất kỳ ai, đơn vị nào.

‘KTX đặc biệt và tổ chức đặc biệt’

Các tổ chức, đội tự quản, câu lạc bộ đội nhóm lần lượt được ra đời để duy trì và phát triển của KTX. Đội sinh viên tự quản (Đội Hoa Cỏ May), sinh viên là những thành viên chủ chốt. Có 3 đội phụ trách 3 mảng hỗ trợ cho ký túc xá. Đội 1 là bảo vệ an ninh, trật tự, bảo trì, kỹ thuật, do chính các bạn sinh viên ở các khoa kỹ thuật. Đội 2 là đội kiểm tra vệ sinh, điểm danh, chăm sóc cây, giữ kiểm tra là tiêu chí để đánh giá rèn luyện của các bạn sinh viên ở KTX. Đội 3 chịu trách nhiệm sinh hoạt, hoạt động, phong trào, sự kiện trong ký túc xá liên kết các câu lạc bộ, đội, nhóm và truyền thông.

KTX Cỏ May không những hỗ trợ về nơi ở, tiền, tiền học phí mà còn tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên yên tâm học tập và phát triển bản thân. Ngoài ra, KTX còn sắp xếp các bạn cùng trường, tương tự nhau về năm học ở cùng nhau cũng tiện hơn trong việc trao đổi và giúp đỡ nhau học tập. Tại đây, các bạn sinh viên còn được học hỏi các kỹ năng, kinh nghiệm sống, lối sống nề nếp. Đồng thời, các bạn còn được rèn luyện ý thức tự giác, tác phong kỷ luật của cá nhân để mỗi sinh viên tự quản trị cuộc sống của mình, đặc biệt có thái độ sống tích cực.


Sinh viên tự giác dọn vệ sinh khu nhà ở và chăm sóc vườn cây

KTX Cỏ May không xây dựng dựa trên lợi ích, mà được hình thành trên tình yêu thương và tấm lòng nhân ái của thế hệ đi trước dành cho thế hệ đi sau. Ở KTX nhiều đội, nhóm để sinh viên tham gia sinh hoạt vui chơi. Hằng năm, KTX tổ chức các lễ hội: tổng kết cuối năm(31/12), hội thao KTX, Tri ân bác Phạm Văn Bên, chiến dịch Cỏ May Xanh. Mỗi tháng sẽ có thi đua khen thưởng tập thể cá nhân thực hiện tốt công việc vệ sinh KTX  theo phân công.Và khi ở tại đây, sinh viên sẽ ban quản lý, anh chị khóa trên thường xuyên giới thiệu công việc làm thêm phù hợp ngành học.                


Sinh viên câu lạc bộ yoga biểu diễn tài năng tại Hội thao



Sinh viên được hướng dẫn tận tình từ ngày đầu vào ở

Lễ tổng kết KTX Cỏ May năm 2018

 

 

Tính đến năm tháng 8 năm 2020, KTX Cỏ May đã có 4 khoá sinh viên được chọn vào. Tổng số sinh viên lưu trú tại KTX hơn 400 sinh viên. Họ đang học ở trường đại học công lập tại TPHCM, quê quán đến từ nhiều các tỉnh, thành phố trên cả nước: Đồng Tháp, Bình Định, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang…


Sinh viên được KTX giới thiệu tham gia lớp tập huấn


Chuyến đi Thái Lan vui vẻ của sinh viên KTX Cỏ May

Hội thao KTX Cỏ May năm 2019

CLB Võ thuật

CLB Văn Nghệ

CLB Dance Sport

Cô Nguyễn Ngọc Oanh trao thưởng cho sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt

Sinh viên KTX Cỏ May theo học ở nhiều trường khác nhau trong địa bàn TPHCM: các trường trong khối Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm Kĩ thuật, Đại học Ngân hàng, Đại học Kiến trúc, Đại học Luật, Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm…

SINH VIÊN KÝ TÚC XÁ CỎ MAY: “TÔN TRỌNG - TỰ GIÁC - TRÁCH NHIỆM”

 

Thực hiện: Nhóm truyền thông Cỏ May (tổng hợp)

         

 

Bài viết khác: